bi-dong-hoa

Vì sao càng ngày chúng ta càng thấy chán smartphone?

Tôi thất vọng, nhưng cũng không định nói rằng iPhone 7 hay Pixel thực sự là những chiếc smartphone kém cỏi và chán smartphone (đó sẽ là một cuộc tranh luận rất dài dòng và mệt mỏi). Thế nhưng, điều đáng nói là ngay từ khi chúng mới ra đời, trong cơn bão marketing của Apple và Google (cũng là lúc sự cố của Note7 đang đi vào giai đoạn đau thương nhất), tại sao vẫn có nhiều người nói thất vọng về iPhone 7 và Pixel đến thế? Cuối cùng thì iPhone 7 vẫn là chiếc iPhone mới nhất, mạnh mẽ nhất, camera đẹp nhất và… đắt nhất. Cuối cùng thì Pixel vẫn là chiếc smartphone Android đầu tiên do Google thiết kế từ phần cứng đến phần mềm, hiện thân của một giấc mơ đã được các fan Android mang trong mình suốt bao năm qua.

Cái gì càng hoàn hảo thì càng… dễ chán

Không hoàn hảo, nhưng rất khác biệt. Càng khác biệt, càng dễ gây tò mò.
Không hoàn hảo, nhưng rất khác biệt. Càng khác biệt, càng dễ gây tò mò.

Cả iPhone 7 lẫn Pixel đều chỉ là hiện thân của một xu hướng tất yếu: smartphone càng ngày càng gần đến ngưỡng cửa “tốt trên mọi khía cạnh”. Các hãng sẽ bỏ đủ lời để chỉ trích các đối thủ cạnh tranh, nhưng quả thật ngày nay smartphone nào cũng đều nghe nhạc đủ tốt, làm việc đủ tốt, chơi game đủ tốt, viết email đủ tốt… Nói cách khác, chúng đang cùng đi tới một cái đích chung: cái đích của sự hoàn hảo đến hết mức có thể trên thân hình cảm ứng quen thuộc đã có từ 10 năm trước.

Những chiếc điện thoại “ngày xưa” thì khác. Mỗi chiếc đều có một điểm yếu có thể coi là trầm trọng, và bạn buộc phải chấp nhận điểm yếu ấy nếu muốn sở hữu thế mạnh rất riêng của từng chiếc. Hãy nhớ mà xem: chiếc máy chơi game N-Gage có hình dáng kì dị nhưng cũng là chiếc điện thoại đầu tiên dành cho game thủ, và cũng một trong những thiết bị đầu tiên mở màn cho suy nghĩ biến “dế” cầm tay thành những thiết bị hội tụ tính năng. Những chiếc BlackBerry cục mịch dùng trackball nhìn đã thấy xấu thảm họa, nhưng đã dùng để gõ tin nhắn, email là mê…

Rồi đến những mẫu Walkman bán kèm tai nghe in-ear kết nối cổng FastPort cực kỳ bất tiện (không thể vừa sạc vừa nghe điện thoại), nhưng đã nghe là sẽ khen “Hay hơn iPod!”. Hay những chiếc Samsung vỏ sò, tưởng chẳng có thế mạnh gì nhưng giá lại rất rẻ cho phép nhiều người sở hữu con “dế” đầu tiên của mình.

Cứ tưởng rằng iPhone sẽ CHỈ là 1 thành viên khác biệt trong thế giới đầy màu sắc này...
Cứ tưởng rằng iPhone sẽ CHỈ là 1 thành viên khác biệt trong thế giới đầy màu sắc này…

Ngày iPhone ra mắt vào năm 2007, tôi vẫn nghĩ điện thoại của Apple chỉ là một thành viên nhỏ của gia đình màu sắc ấy. Thế rồi toàn bộ thế giới di động từ từ biến thành những khối chữ nhật bo tròn. Đó không phải là một hiện tượng đáng ngạc nhiên: cái gì tốt hơn, tiện hơn sẽ dần dần trở thành tiêu chuẩn, thay thế cho tất cả những thứ lỗi thời. Lịch sử công nghệ chỉ có một chiều, và cái gì mới hơn, tốt hơn sẽ được chọn lọc để đào thải cái cũ.

Đáng tiếc rằng khi khái niệm “điện thoại hoàn hảo” đang đến gần, cái cảm giác “lung linh” của thế giới di động cũng dần biến mất. Ngày nay, điện thoại dù có là module (như LG G5), gắn ống zoom (như Galaxy S4 Zoom) hay màn cong thì về bản chất vẫn là một khối chữ nhật bo tròn có màn hình choán gần hết mặt trước. Những tính năng như chip đa nhân, camera độ phân giải cao, loa kép… càng ngày càng trở thành tiêu chuẩn, ai cũng có.

Bảo sao người ta chê iPhone 7 chán, Pixel chán. Cầm iPhone 6 trên tay là đã tưởng tượng ra được iPhone 6s, iPhone 7 rồi mà.

 ...Ai ngờ cả thế giới di động lại bị đồng hóa.

…Ai ngờ cả thế giới di động lại bị đồng hóa.

Khó được như mối tình đầu

“Chán” cũng là từ phổ biến nhất trên Facebook của tôi vào tháng 9 năm 2012, khi iPhone 5 ra đời. Những người chê bai sau đó có mua iPhone 5 hay không lại là chuyện khác, nhưng nếu bạn thực sự tin những gì họ nói thì iPhone 5 đúng là một nỗi thất vọng.

Nhưng iPhone 5 cũng là chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên của tôi, món quà tôi được nhận ngày ra trường sau hàng năm trời gắn bó với chiếc W995i cũ kỹ. Từng “ngứa mắt” với thói cuồng iPhone của bạn bè, đến khi có iPhone 5 tôi mới thực sự hiểu vì sao người ta lại ca ngợi Steve Jobs đến thế, vì sao lại gọi tên “cuộc cách mạng smartphone”. Bỗng dưng, tôi có thể nhắn tin gọi điện cho gia đình từ bất cứ một vị trí nào từ một hòn đảo xa xôi nhưng rồi vài tháng sau cũng “bỗng dưng” cận do hay thức đêm lướt web trên điện thoại. Tôi có thể nghe đầy đủ các album Metallica khi đi du lịch mà không cần phải cóp nhạc vào máy. Và sếp tôi cũng biết giờ đây tôi có thể check mail, có thể đọc file Excel từ bất cứ nơi nào. Thực sự là chiếc smartphone đầu tiên đã thay đổi cuộc sống của tôi theo nhiều cách, tốt có, xấu có.

Từ thời điểm ấy cho đến bây giờ, tôi đã nhiều lần mua mới smartphone, không chỉ cho mình mà còn để phổ cập công nghệ cho cả nhà nữa. Tất cả đều tốt hơn, hoàn thiện hơn iPhone 5 – bao gồm cả chiếc smartphone mà tôi mua sau iPhone 5 một năm là Galaxy Note 3. Nhưng kỷ niệm choáng ngợp của iPhone 5 không bao giờ trở lại. Thậm chí, cái cảm giác hồi hộp đợi up ROM cho Note 3 cũng chẳng bao giờ có lần thứ 2.

Chẳng ai phủ nhận rằng iPhone 7 và Pixel đang là những chiếc smartphone đáng mơ ước nhất. Nhưng trong sâu thẳm, có lẽ mỗi người đều thèm muốn được một lần nữa “mở mắt” theo cái cách chiếc iPhone đầu tiên, Android đầu tiên đã từng “mở mắt” họ. Đó là điều không thể, nên họ nói “thất vọng” thôi.