Màn hình OLED với tấm nền bằng nhựa thường được sử dụng cho các thiết bị màn hình cong như Galaxy S7 edge trong khi OLED với tấm nền bằng kính thường sử dụng cho các thiết bị màn hình phẳng. iPhone 8 màn hình OLED không thể gấp hay uốn cong nhưng Apple có thể áp dụng công nghệ cảm biến mới để vượt trội hơn dòng Galaxy màn hình cong của Samsung.
“iPhone sắp ra mắt có thể sử dụng một công nghệ cảm biến mới giúp chiếc điện thoại phản hồi lại khi người dùng chạm vào bất cứ cạnh nào của nó. Tuy nhiên, Apple có thể không áp dụng công nghệ này”, nguồn tin trên tiếp tục tiết lộ nhưng từ chối kể chi tiết.
Công suất sản xuất màn hình OLED cong của Samsung Display cho Apple ước đạt khoảng 70 triệu tới 100 triệu đơn vị, thấp hơn doanh số iPhone hàng năm của Apple. Ước tính mỗi năm Apple bán ra khoảng 200 triệu chiếc iPhone.
Bên cạnh màn hình được cung cấp bởi Samsung Display, Apple còn sử dụng màn hình LCD từ LG Display và JDI.
Mặc dù Apple hoàn toàn phải “nhờ cậy” Samsung sản xuất màn hình OLED vào năm tới nhưng “Táo khuyết” dự tính sẽ giảm dần sự phụ thuộc khi ngày càng thắt chặt quản lý thông tin, ngăn bí mật kinh doanh rò rỉ tới tai đối thủ lớn nhất trên thị trường smartphone.
Theo báo cáo gần đây, LG Display – đối tác cung cấp màn hình LCD lâu năm cho Apple, đang hợp tác với Apple và Google nhằm phát triển một tấm nền màn hình có thể gấp lại cho các mẫu smartphone đột phá. Dự kiến LG Display sẽ cung cấp màn hình có thể gấp cho Apple, Google và Microsoft trong năm 2018.
Samsung Electronics cũng đang đẩy mạnh quá trình phát triển các thiết bị di động có thể gấp lại với mục tiêu ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2018.