nuoc-nong-dong-bang-nhanh-hon-nuoc-lanh

Nước nóng đóng băng nhanh hơn nước lạnh, các nhà khoa học có thể đã tìm ra được nguyên nhân tại sao

Nghe chừng có vẻ bất hợp lý đến mức phản khoa học, nhưng khi đặt dưới những điều kiện nhất định, nước nóng đóng băng nhanh hơn nước lạnh. Hiện tượng kì lạ này đã được chính Aristotle phát hiện ra nhưng sau nhiều thế kỷ nỗ lực làm thí nghiệm để chứng minh nó, vẫn không có ai đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.

Thời điểm hiện tại, các nhà vật lý học đang chỉ ra rằng một số thuộc tính kì lạ của liên kết hydrogen là chìa khóa để giải mã bí mật này. Nhưng một số nhà khoa học khác lại không hề đồng tình, họ nói rằng thứ “hiệu ứng Mpemba” này không hề tồn tại.

Nói thêm một chút về hiệu ứng Mpemba

Những tài liệu ghi lại về hiện tượng làm các nhà khoa học đau đầu này đã có từ thời Aristotle, tuy nhiên, tên của hiện tượng lại được đặt theo tên của một cậu học sinh trung học.

Đó là Erasto B. Mpemba người Tanzania. Mpemba tình cờ bắt gặp hiện tượng này lần đầu năm 1963 trong một lớp học nấu ăn tại trường cấp 2 Magamba, khi anh làm lạnh món kem trộn nóng (hỗn hợp trộn để làm kem – vẫn còn nóng trước khi cho vào tủ lạnh) và để ý thấy rằng nó đông cứng nhanh hơn kem trộn lạnh.

Sau khi tốt nghiệp, Mpemba chuyển lên học tại trường Mkwawa, tỉnh Iringa, Tanzania. Một lần, hiệu trưởng trường này đã mời Tiến sĩ Denis G. Osborne từ Đại học Dar Es đến giảng bài về vật lý học.

Erasto Mpemba và Denis Osborne.
Erasto Mpemba và Denis Osborne.

Kết thúc bài giảng, Erasto Mpemba đã hỏi vị Tiến sĩ một câu: “Nếu ta có 2 cốc nước bằng nhau, một cốc nước nguội 35°C và một cốc nước nóng 100°C, cùng cho cả 2 cốc vào trong tủ đá thì cốc nước nóng lại đóng băng trước. Vậy giải thích tại sao?“, cậu đã bị cả bạn bè và giáo viên chế nhạo vì câu hỏi tưởng chừng như vô lý đó.

Nhưng sau chút ngạc nhiên ban đầu, tiến sĩ Denis G. Osborne đã tiến hành thí nghiệm lại phát kiến đó tại nơi làm việc của mình, và đã xác nhận phát hiện của Erasto. Sau đó họ đã cùng công bố kết quả vào năm 1969.

Có nhiều vấn đề hóc búa xoay quanh hiệu ứng Mpemba khiến nước nóng đóng băng nhanh này.

Nhiều người không coi đây là một sự thật hiển nhiên của vật lý nhưng nhiều nhà vật lý học dù công nhận chúng tồn tại lại không thể tìm ra được một lời giải thích thỏa đáng, chính xác cho hiện tượng này. Làm thế nào mà nước nóng có thể đạt tới điểm đông lạnh nhanh hơn nước lạnh, khi mà rõ ràng rằng nước lạnh có nhiệt độ nằm gần điểm đóng băng đó hơn?

Vấn đề còn nằm tại ngay chính những thử nghiệm, khi mà có người có thể khiến cho hiệu ứng Mpemba xuất hiện nhưng có người thì lại không. Cả hai bằng chứng đến từ hai kết quả thử nghiệm đã không đưa lại một lời giải thích hợp lý.